Contents
- 1 Giá điện đang ngày một tăng, đặc biệt trong các thời gian cao điểm như mùa hè, hóa đơn tiền điện có thể tăng đến 30 – 50%. Sử dụng điện năng lượng mặt trời hỗ trợ một phần có thể giúp gia đình giảm tải điện sử dụng. Tuy nhiên vẫn còn nhiều người băn khoăn có nên đầu tư điện năng lượng mặt trời không?
- 2 Chi phí đầu tư hệ năng lượng mặt trời
- 3 Có nên đầu tư điện năng lượng mặt trời
- 4 Có nên kinh doanh điện năng lượng mặt trời?
Giá điện đang ngày một tăng, đặc biệt trong các thời gian cao điểm như mùa hè, hóa đơn tiền điện có thể tăng đến 30 – 50%. Sử dụng điện năng lượng mặt trời hỗ trợ một phần có thể giúp gia đình giảm tải điện sử dụng. Tuy nhiên vẫn còn nhiều người băn khoăn có nên đầu tư điện năng lượng mặt trời không?
Chi phí đầu tư hệ năng lượng mặt trời
Có thể hiểu đơn giản rằng, điện năng lượng mặt trời là hệ thống thông minh, có khả năng chuyển ánh sáng mặt trời sang năng lượng điện để cung cấp cho thiết bị sử dụng. Trên thị trường hiện nay có khá nhiều nhà cung cấp hệ thống này, quảng cáo có khả năng tiết kiệm điện tuyệt vời, bền bỉ và hòa vốn nhanh.
Song chi phí đầu tư ban đầu năng lượng mặt trời khá cao khiến nhiều người băn khoăn, các thông tin dưới đây sẽ giúp bạn ước lượng số tiền cần có.
Chi phí đầu tư dựa vào hệ thống điện năng lượng mặt trời
Điện năng lượng mặt trời hiện nay gồm hệ thống điện hòa lưới (phổ biến hơn) và hệ thống điện độc lập.
Hệ thống điện năng lượng mặt trời hòa lưới
Hệ thống này gồm nhiều tấm pin được chế tạo đặc biệt, có khả năng sử dụng bức xạ mặt trời tự nhiên để chuyển thành năng lượng điện một chiều (DC). Nhờ một bộ chuyển đổi Inverter, nguồn điện được chuyển hóa thành dòng điện xoay chiều (AC) sử dụng được trực tiếp. Ngoài ra, bộ chuyển đổi này còn có chức năng quan trọng hơn là tối ưu hóa nguồn điện sản sinh, tự dò tìm và kết nối điện tạo thành với điện lưới có sẵn.
Nếu nắng nhiều, pin năng lượng thu được nhiều ánh sáng mặt trời sẽ sản xuất được nhiều điện, có thể đủ cung cấp cho hệ thống. Còn nếu thiếu hoặc thời tiết không thuận lợi, điện lưới quốc gia sẽ được sử dụng để đảm bảo cung cấp ổn định trên hệ thống.
Hiện nay, giá của hệ thống điện năng lượng mặt trời hòa lưới thường tính theo công suất Kwp, rơi vào khoảng 14.000.000 – 17.000.000/kwp.
Hệ thống điện năng lượng mặt trời công nghệ mới nhất hiện nay, chi phí lắp đặt không quá cao, bền bỉ, có thể sử dụng nhiều năm không phải sửa chữa hay thay mới. Điện tạo thành sử dụng đồng thời với hệ thống điện quốc gia. Tuy nhiên, điện mặt trời sẽ không có khi đêm hoặc trời không có nắng.
Hệ thống điện năng lượng mặt trời độc lập
Hệ thống này không phổ biến do chi phí lắp đặt cao hơn (trung bình khoảng gấp 2 lần) hệ thống điện năng lượng mặt trời hòa lưới. Ngoài các thiết bị như Tấm pin, bộ điều khiển sạc, bộ biến điện thì hệ thống này đặc biệt cần tới bộ acquy có khả năng lưu trữ điện lớn. Như vậy dù trời không có nắng hoặc ban đêm, điện năng dự trữ trong các bình acquy vẫn được sử dụng.
Chi phí lắp đặt hệ thống này tính theo diện tích giàn pin. Thông thường với nhu cầu hộ gia đình hoặc công ty nhỏ, cần lắp đặt hệ thống từ 10 – 30m2 dàn pin (khoảng 1 – 3 kW). Như vậy chi phí lắp đặt rơi vào khoảng 40 – 50 triệu đồng.
Do đặc điểm sử dụng bình acquy dự trữ năng lượng điện mặt trời tạo ra được nên từ 3 – 5 năm, khách hàng cần thay mới 1 bình acquy (giá khoảng 3 triệu đồng, mỗi hệ thống 1kW cần từ 6 – 8 bình acquy). Như vậy nếu hệ thống lớn, việc thay mới bình acquy là không khả thi, đó là lý do khiến hệ thống điện năng lượng mặt trời này không phổ biến.
Các phần chi phí khi đầu tư hệ thống điện năng lượng mặt trời
Tấm pin (50%): Tấm pin mặt trời chiếm khoảng 50% tổng chi phí, là thành phần chính của hệ điện năng lượng mặt trời. Tấm pin cấu tạo từ các tế bào quang điện (PV) cho phép chuyển đổi trực tiếp ánh sáng mặt trời thành dòng điện(DC).
Biến tần (25%): Biến tần có nhiệm vụ chuyển đổi dòng điện một chiều thành điện xoay chiều (AC), thiết bị này thường chiếm khoảng 25% tổng chi phí hệ thống.
Hệ cân bằng hệ thống 17%: Hệ cân bằng hệ thống gồm nhiều thành phần khác nhau cùng tạo nên mảng năng lượng mặt trời như khung nhôm định hình, dây cáp quang điện, phụ kiện cơ khí, hệ thống dây điện, ống luồn, chống sét, bảng điện,tiếp địa,…
Nhân công lắp đặt 8%: 8% chi phí còn lại là chi phí thuê nhân công lắp đặt, thử nghiệm, vận hành, kết nối hệ thống với lưới điện,…
Như vậy, chi phí đầu tư điện năng lượng mặt trời không chỉ quyết định bởi giá tấm pin mà chúng ta vẫn tưởng, nó còn bao gồm cả phụ kiện, nhân công, thuế,… Khi tính toán chi phí trung bình trên mỗi watt sản sinh được, thực tế chi phí này thay đổi theo từng xuất xứ, nhãn hiệu thiết bị, công suất hệ thống.
Ví dụ như trong hệ thống điện mặt trời thương mại công suất 1.000 kWp – 3pha. Chi phí đầu tư trung bình nếu chọn thiết bị xuất xứ Châu Á chất lượng TB – Khá rơi vào khoảng 15 triệu/kWp. Còn nếu thương hiệu thuộc Top sẽ từ 17 triệu/kWp đến 20 triệu cho mỗi KWp. Như vậy công suất 1.000kWp sẽ tốn khoảng (15 triệu x 1.000) = 15 tỷ đồng.
Có nên đầu tư điện năng lượng mặt trời
Ở Việt Nam hiện nay phổ biến là hệ thống điện năng lượng mặt trời hòa lưới với ưu điểm vận hành đơn giản, thân thiện môi trường, hoạt động thông minh và có thể giám sát từ xa trên Smartphone hay máy tính. Nhưng chi phí đầu tư ban đầu lớn chính là điều khiến nhiều người e ngại. Dưới đây là những lợi ích bạn sẽ nhận được với hệ thống điện này:
Hệ thống giúp tiết kiệm đến 90% chi phí điện
Hệ thống điện năng lượng mặt trời hòa lưới thực tế có thể đạt hiệu quả tiết kiệm đến 90% chi phí điện sử dụng trong gia đình hoặc văn phòng. Đặc biệt, hệ thống còn giúp giảm chi phí điện ở ở khung giá điện giờ cao điểm, vừa hiệu quả vừa giảm tải cho hệ thống điện lưới quốc gia. Tuy nhiên thực tế, khả năng tiết kiệm điện của điện năng lượng mặt trời còn phụ thuộc vào công suất, diện tích mái và các điều kiện tự nhiên khác.
Để dễ hình dung, bạn có thể tham khảo ví dụ thực tế sau: 1 gia đình sử dụng dụng điện cho việc thắp sáng, xem tivi, quạt mát, nấu nướng, hệ thống máy lạnh trong nhà, khi lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời như sau:
- Số lượng tấm PIN: 5 tấm
- Công suất hệ thống: 2 KwP
- Sản lượng: 300 Kwh/tháng
Với tính toán giá điện như hiện nay, hệ thống này giúp hộ gia đình tiết kiệm được khoảng 600,000 VND mỗi tháng.
Hệ thống điện năng lượng mặt trời đạt hiệu quả đầu tư cao
Đầu tư hệ thống điện mặt trời đấu trực tiếp vào điện lưới quốc gia, vì thế giảm được chi phí cho hệ truyền tải.
Vào thời gian cao điểm sử dụng điện, điện mặt trời là giải pháp tuyệt vời, có thể phát điện tự cấp một phần hoặc toàn phần. Khi điện lưới tiêu thụ giảm, khách hàng phải trả số tiền thấp hơn ở bậc thấp hơn.
Hơn nữa, hệ điện mặt trời trên mái nhà còn là giải pháp kép giúp giảm nóng cho không gian nhà, từ đó giảm công suất sử dụng điện của máy lạnh. Hệ thống điện hòa lưới không sử dụng ắc quy, gần như không phải sữa chữa thay thế trong quá trình sử dụng, tuổi thọ lên tới 30 năm, mang lại hiệu quả lâu dài về cả kinh tế lẫn môi trường.
Thông số cho thấy hiệu quả kinh tế khi dùng hệ thống pin năng lượng mặt trời áp mái:
Quy mô | 3,1kWp | 5,2kWp | 10,4kWp | 20 kWp | 50 kWp | 80 kWp | 100kWp | 150kWp | 200kWp |
Điện năng/tháng | 480kWh | 810 kWh | 1680 kWh | 3115 kWh | 7780 kWh | 12450 kWh | 15570 kWh | 22360 kWh | 31150 kWh |
Số tấm pin 345Wp | 9 | 15 | 30 | 58 | 145 | 232 | 290 | 435 | 580 |
Diện tích m2 | 20 | 36 | 80 | 140 | 360 | 560 | 660 | 990 | 1350 |
Giảm CO2/tháng | 235kg | 395kg | 795kg | 1595 kg | 3975 kg | 6360 kg | 7955 kg | 11925 kg | 15900 kg |
Chi phí đầu tư VNĐ | 60 triệu | 100 triệu | 200 triệu | 400 triệu | 1 tỉ | 1,6 tỉ | 2 tỉ | 3 tỉ | 4 ti |
Thời gian hoàn vốn | 6 năm | 6 năm | 6 năm | 6 năm | 6 năm | 6 năm | 6 năm | 6 năm | 6 năm |
Có nên kinh doanh điện năng lượng mặt trời?
Từ những con số đưa ra ở trên, có thể thấy đầu tư điện năng lượng mặt trời là giải pháp tiết kiệm năng lượng điện tuyệt vời, đặc biệt là các gia đình, tòa nhà sử dụng công suất điện lớn, liên tục và giá điện thì ngày một tăng. Chi phí đầu tư hệ thống điện năng lượng mặt trời không quá cao, song thời gian thu hồi vốn nhanh, vậy tại sao thực tế vẫn có những trường hợp người dân đầu tư nhưng không đạt được hiệu quả tiết kiệm như vậy?
Một trường hợp cụ thể, anh S (Hà Nội) có đầu tư điện năng lượng mặt trời hòa lưới công suất 3 Kwp hết 80 triệu đồng. Nhà cung cấp đảm bảo, hệ thống này giúp tiết kiệm phần lớn tiền điện, nhất là mùa hè nắng nóng. Tuy nhiên do điều kiện thời tiết thất thường ở Hà Nội, ngày nắng nhiều nắng ít, nhiều hôm mây che âm u hoặc trời mưa cả ngày.
Với ngày nắng nhiều, điện mặt trời sản xuất nhiều, đáp ứng được nhu cầu cơ bản sử dụng. Tuy nhiên những ngày còn lại điện sản xuất ít không đáng bao nhiêu. Như vậy cuối cùng, chi phí bỏ ra lớn nhưng lợi ích thu được, cụ thể là tiền điện tiết kiệm được không thể bù lại được.
Vậy có nên đầu tư điện năng lượng mặt trời không? Để trả lời thắc mắc này cần đánh giá trên nhiều yếu tố xem có phù hợp và sử dụng hệ thống điện mặt trời hiệu quả hay không. Các yếu tố này phải kể tới như: Thời tiết (có thể xem xét số giờ nắng trung bình), lượng điện sử dụng, đặc điểm tiêu thụ điện,… Cùng với đó cần tính toán chi phí và lợi ích xem có nên đầu tư hay không.
Xem xét yếu tố nắng
Việt Nam nằm ở khu vực cận xích đạo, vì thế số giờ nắng trên năm khá nhiều. Tuy nhiên do là dải đất dài nên các vùng miền trên cả nước cũng có đặc điểm nắng khác nhau. Trong đó, miền Nam và miền Trung có số giờ nắng nhiều nhất, có thể kéo dài quanh năm, bức xạ mạnh. Trong khi đó miền Bắc thời tiết thất thường, giờ nắng ít, phân bố chủ yếu vào mùa hè. Các tháng khác nắng rất yếu nên gần như hệ thống điện mặt trời không sản xuất hoặc sản xuất được rất ít điện.
Ngoài đặc điểm nắng, cần quan tâm đến góc chiếu sáng để xem xét hướng mái nhà lắp pin năng lượng mặt trời phù hợp. Lưu ý không lắp đặt ở nơi có bóng râm, bị vướng vật cản toàn phần hoặc một phần. Thị trường hiện nay có nhiều loại pin điện mặt trời, tuy nhiên đa phần sẽ cần điều kiện lý tưởng như sau:
- Nhiệt độ 24 – 26 độ C.
- Gió nhẹ.
- Nắng vừa.
- Góc tấm pin đặt theo hướng nam lệch từ 9 – 11 độ.
Xem xét nhu cầu tiêu thụ điện
Chi phí đầu tư hệ thống điện năng lượng mặt trời hiện nay khá cao, các hộ gia đình nhỏ cũng cần tốn từ 80 – 100 triệu đồng là thấp nhất. Còn với các nhà máy, văn phòng, khu dân cư,… thì cần lắp đặt hệ thống công suất lớn, vốn đầu tư lên tới vài chục tỷ đồng.
Như vậy đơn giản như trong gia đình bạn, cần xem xét nhu cầu tiêu thụ điện trực tiếp qua hóa đơn điện hàng tháng. Ví dụ nếu cả gia đình bạn chỉ phải chi trả tiền điện hàng tháng từ vài trăm đến 2 triệu đồng thì điện năng lượng mặt trời không phù hợp do vốn đầu tư lớn mà tiêu thụ điện không lớn.
Các trường hợp này, thay vì đầu tư cả hệ thống điện mặt trời vốn lớn thì nên cân nhắc chọn các thiết bị điện cần thiết chạy bằng năng lượng mặt trời sẽ đem lại hiệu quả kinh tế tốt hơn.
Xem xét đặc điểm tiêu điện
Đặc điểm của hệ thống điện năng lượng mặt trời hòa lưới là chỉ cung cấp điện khi có nắng mặt trời, do đó buổi tối và ngày trời mưa mát sẽ có thể cần dùng điện lưới hoàn toàn. Như vậy, nếu gia đình bạn chủ yếu tiêu thụ điện vào buổi tối do ban ngày mọi người đi làm, đi học thì lắp điện mặt trời là không phù hợp.
Nhìn chung điện mặt trời hòa lưới phù hợp cho các hộ kinh doanh tại nhà hoặc hộ sản xuất hơn là hộ tiêu dùng. Trong khi đó hệ thống điện mặt trời độc lập chi phí lắp đặt lẫn bảo dưỡng cao, cũng không phù hợp dù có acquy dự trữ điện dùng mọi lúc.
Xem xét bài toán chi phí – lợi ích
Khi lợi ích của điện năng lượng mặt trời vượt trên chi phí lắp đặt, bảo trì hệ thống thì đầu tư mới đạt hiệu quả. Chi phí lắp đặt như đã nói ở trên gồm có chi phí thiết bị, lắp đặt, nhân công, thuế,… Chi phí bảo trì hệ thống là vệ sinh, bảo trì tấm pin mặt trời và thay mới acquy nếu có sử dụng.
Ngoài ra, nhà cung cấp lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời có thể miễn phí hoặc giảm giá dịch vụ bảo trì định kỳ, do đó hãy hỏi rõ về thông tin này.
Một lưu ý nhỏ nữa là tâm lý hiện nay của nhiều người tiêu dùng khi xem xét lắp đặt điện mặt trời là chọn nhà cung cấp giá rẻ. Ngoài giá cả, cần nghiên cứu kỹ chất lượng, các dịch vụ những đơn vị này cung cấp từ tư vấn, lắp đặt, báo giá, bảo hành, bảo dưỡng,… Nên mua pin mặt trời và các thiết bị của thương hiệu chất lượng, có uy tín trong lĩnh vực.
Ngoài ra, trong suốt quá trình lắp đặt, cần giám sát cả về chất lượng tấm pin mặt trời (xem xét có nứt, dòng kẻ trên pin mờ, tấm bị lỗi,…), thiết bị lắp đặt khác lẫn dịch vụ lắp đặt có chuyên nghiệp, đúng kỹ thuật hay không.
Như vậy, với thắc mắc có nên đầu tư điện năng lượng mặt trời không thì câu trả lời là nên đầu tư điện năng lượng mặt trời với đối tượng là chủ hộ kinh doanh tại nhà, các nhà máy cần sử dụng điện ở mức cao và sống tại khu vực có nắng cao và ổn định. Đối với những gia đình tầm trung trở xuống không nên vội vàng lắp đặt điện mặt trời mà cần xem xét kỹ lưỡng các yếu tố ảnh hưởng.